Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

2010 Aug

TITLE: Ngô Bảo Châu đã làm gì?
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/20/2010 07:30 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:


  (Một anh chàng người Canada viết bằng tiếng mẹ đẻ của một giáo sư về việc làm của vị giáo sư ấy đang khiến đồng bào của ông ngất ngây.)

“Thâm nhập” hành trình chứng minh Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu

Hãy cùng nghe Joe “văn học hóa” hành trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của giáo sư Ngô Bảo Châu, để hiểu một cách chân phương nhất, đời thường nhất những gì nhà toán học đã làm được để đưa anh đến với giải thưởng Fields danh giá.


Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố, mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu và được giải thưởng gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được ai trao tặng huy chương. Thậm chí báo chí có nói công trình của anh dày 169 trang (169 trang cơ!), và tên của nhà xuất bản phát hành tạp chí đã công bố công trình đó.
Tuy nhiên, báo chí ít nhắc đến nội dung công việc anh ấy đã làm – công việc khiến anh ấy được chọn là người xứng đáng nhận giải thưởng Fields. “Nói chung anh ấy giỏi toán”, là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài liên quan. Khái niệm đó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ rất hoành tráng, nhưng vẫn là khái niệm sơ sơ.
Các tác giả thường dừng lại ở câu “Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản” (thỉnh thoảng cho chút tiếng Pháp vào cho oách: “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie”). Nhưng “Bổ đề cơ bản”là gì và vì sao chứng minh nó?
Tôi không giỏi toán nhưng tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ thú vị và dễ hiểu nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Tôi đã nghiên cứu và thấy câu chuyện thật thú vị, không kể cho các bạn nghe thì...phí quá!
Câu chuyện bắt đầu như thế này. Cách đây rất lâu các nhà toán học đã công bố hai lý thuyết quan trọng: lý thuyết số học và lý thuyết nhóm (number theory, group theory). Bản chất của hai lý thuyết đó tôi sẽ để cho bác “Wiki” giải thích – điều nên nhớ là (a) hai lý thuyết ấy rất quan trọng trong thế giới toán học và (b) hai lý thuyết ấy từ xa nhìn riêng biệt với nhau, như hai cành của một thân cây.

Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học Canada tên Robert Langlands đã công bố rằng ông ấy nghĩ hai lý thuyết ấy có sự liên quan rất đa dạng. Quan điểm của Robert (và cách thể hiện quan điểm đó) đã làm cho nhiều nhà toán học thực sự choáng! Robert cũng tự làm choáng mình nữa – ông phát biểu rằng sẽ mất mấy thế hệ để chứng minh sự liên quan đa dạng mà ông ấy cho rằng có tồn tại.
“Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối dễ thực hiện”, ông Robert tự tin nói với đồng nghiệp.
“Bước đầu tiên” đó Robert đặt tên là "fundamental lemma”, và đó chính là “Bổ đề cơ bản” mà các bạn nghe kể nhiều thời gian gần đây.
Ông Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là một con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là một con tàu lớn. (Hai tàu không có người lái, trôi trên mặt biển.) Robert không nhìn kỹ được nhưng vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi sản xuất cùng loại thép. Có khi chân vịt cùng cỡ. Có khi bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” sẽ tự động hướng về phía tay trái.
Khỏi phải nói hai con tàu đó là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm.
Với Robert, việc chứng minh “bổ đề cơ bản” có thể so sánh với việc ném hai sợi dây có móc sang hai tàu. Khi việc đó làm xong, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo cùng Robert, dùng dây kéo hai tàu gần nhau. (Khi đó mới nhìn kỹ được, tìm ra sự liên quan.) Việc kéo hai con tàu gần nhau và so sánh là việc Robert nghĩ sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng việc ném hai sợi dây có móc đó ông Robert nghĩ sẽ nhanh thôi.
Nhưng ông Robert đã nhầm. Việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số em sinh viên đã ném thử mấy lần nhưng lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần (không chính xác được) và dùng dây loại mỏng.
Đảo của Robert trở thành đảo nổi tiếng. Suốt 30 năm có rất nhiều nhà toán học sang “ném thử” Ai cũng lau mồ hôi và kêu lên “khó quá!” Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị công cụ dùng để kiểm tra và so sánh hai con tàu lúc được kéo về đảo (kéo gần nhau!). Họ sản xuất máy để kiểm tra loại sơn, lập trình phần mềm để phân tích hai chân vịt. Thậm chí có người tập lái tàu và tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Những công việc và sự tập luyện đó sẽ thành vô nghĩa nếu không có người ném dây chính xác.
Và rồi xuất hiện anh Ngô Bảo Châu. Nghe kể về đảo của Robert, anh bơi sang xin ném thử. “Được chứ!”, các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. “Anh cứ thử thoải mái đi, thử mấy lần cũng được, thử xong ngồi cùng chúng tôi uống trà đá nhé!”
Anh Châu ném thử một lần, ném rất mạnh, dùng loại dây nặng nhất. Các nhà toán học kia đứng lên ngạc nhiên, nhiều cốc trà đá rơi xuống đất. Cách ném của anh Châu rất lạ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà chưa ai thấy bao giờ. “Ném thật đi anh ơi!”, các nhà toán học động viên tiếp. “Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay!”
Ngô Bảo Châu ném thật. Và chính xác. Hai cái móc dính vào hai con tàu ngay, mọi người vỗ tay ầm ĩ. Rồi anh Châu bảo các nhà toán học đứng trên đảo Robert cầm dây giúp (và bắt đầu kéo hai tàu gần nhau), để anh ấy có thể đi sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields.
Câu chuyện kết thúc tại đây.
Chứng minh “Bổ đề cơ bản” là một trong những thành công lớn nhất của toán học hiện đại, được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu đã hoàn thành việc này, nên những năm tới đây các nhà khoa học thế giới có thể tự tin nghiên cứu sự liên quan giữa lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Đó thực sự là một thành đạt tuyệt vời – cả Việt Nam nên tự hào về người ném dây có tên Ngô Bảo Châu.
Joe




TITLE: Nhật ký
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/17/2010 07:32 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:



Ở đây, ngày này tháng này năm nay

Cả ngày nay uể oải toàn thân. Tại trận nhậu tối qua. Mà đó là mình còn hầu như không uống.
Đi với đại diện Rockwell VN. Tăng một 4U, tăng hai 17.
For You thì mình đến đã nhiều lần. Hội kia uống rượu, một chai John vàng. Mình uống bia. Lâu nay mình không uống được rượu nữa. Chút xíu là đã muốn ốm.
Roland hỏi có thấy khác biệt giữa John vàng với xanh hay đen, đỏ không? Câu trả lời là thấy như nhau. Roland cười, nói khác ở mặt người uống, cứ vênh lên trời. Hihi.
Seventeen thì mình mới ghé lần thứ hai. Thực ra lần trước vào rồi ra ngay tại đến quá sớm. Hôm qua đã 9h nhưng vẫn sớm. Tiếp tục John với soda. Mình miễn cưỡng cầm một ly. Các em phục vụ mặt rất teen, sơ mi ca rô với short jean và giày cao cổ, đoán là phong cách cao bồi.
Đến sớm, về sớm. H đã chết như một con mực.
Một lần nữa gặp câu "oan gia đụng nhau ngõ hẹp".
Tất niên năm ngoái, Vietech và Novas đã thuê chung nhà hàng cùng ngày cùng giờ (khác tầng).
Năm nay, sau bao nhiêu năm làm với Siemens, do nhiều thái độ không tốt, mình quyết định quay sang R. Lúc nhậu mình có nghe đúng ngày S tổ chức hội nghị gì đó ngay tại ĐN. Vừa ra khỏi cửa 17 thì đụng nguyên băng S đi vào. Mà toàn người quen, Phương, Hiếu, Cường, ... Vui thôi. Không khỏi nhớ đến những tháng ngày cùng vui vẻ.

Sáng nay cưỡi taxi đi làm vì hôm qua để xe lại cty. Việc hàng đống mà người thì nhừ tử.
Chiều chả buồn ăn. Về nhà mì gói vậy. Gặp chị bán chuối đầu kiệt, chọn mua một nải những quả nhỏ. 5 000. Hôm nay gặp tại hiếm khi mình về sớm như vậy, chỉ mới nhọ mặt người.
Không hiểu thế nào mà bỗng dưng lại được nghe tâm sự. Con đi học về à? Ráng học nghe con. Để có nghề có nghiệp sau này đỡ khổ. Dì ngày xưa bỏ học sớm, rồi lấy chồng, có con. Nay buôn bán kiếm sống khổ lắm. Bán ế phải đem về. Mưa gió không bán được. Chớ có nghề thì ngày mô cũng làm được. Hai đứa con dì học giỏi lắm. Một đứa năm thứ 3 đại học, một đứa lớp 8. ...
Mình đứng nghe cho đến khi, thôi con về đi kẻo trễ.
Về phải lấy cái gương soi thử. Chị kia trông lam lũ chứ không quá già. Mà mình thì râu ria mấy ngày chưa cạo. Cả râu lẫn tóc đã muối tiêu, ngày càng bớt tiêu thêm muối.
Hôm qua, Roland cũng ngạc nhiên khi nghe mình nói mình làm cho V 10 năm, hỏi mình bao nhiêu tuổi. Bảo đoán hắn nói chắc 30, 31. Mình cười, nhiều hơn thế 10 năm.

Tối đọc chút ít. Thấy nhiều ý buồn cười quanh cái gọi là hoa hậu VN. Cuối tuần vừa rồi mình trực. Úp mặt xuống gối ngủ từ 8h tối. Ca trực 5 người thì 3 chú trẻ kia cũng lên giường. Mỗi sư huynh xem tv. Mình nghe gọi dậy xem hoa hậu kìa nhưng chẳng buồn nhúc nhích.
Tối nay đọc thấy nhiều người bức xúc với hoa hậu "1000 năm". Đúng như mình đã nghe đoán từ trước, sẽ có hoa hậu cùng vô địch cái gọi là bóng đá nhãn hiệu 1000 năm.
Rằng hoa hậu híp, sún, dài chứ không cao, óc bã đậu (giáo dục giáo điều, ...), ti nhỏ, khoác bao tải (trang phục dạ hội), mũi nhòm mồm, lỗ mũi nhét vừa củ hành tây, ... Rồi còn có quen biết với trưởng ban bánh khảo, ...
Hihihuhu.

Cũng chẳng buồn lục báo xem ảnh tân hậu.

Đi ngủ.



TITLE: Inception
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/10/2010 07:23 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:


 *

Ai đời, lại đi buồn khi thấy bạn mình vui!

Chính xác ra là, cũng đã lâu rồi, từng thoáng không vui khi thấy vẻ thỏa mãn của bạn. Đời như thế, chẳng tự hỏi ư?
Rồi bạn gặp khó khăn, sớm than câu bất mãn.
Giờ đã qua. Thấy bạn còn duyên dáng hơn xưa.
Nhân nói chuyện du lịch, bạn kể những vụ bị lừa đảo đến đắng người. Mình tán đồng, nói ra nhiều người tự ái chứ du lịch trên dải chữ S này ngại lắm lắm.
Suýt nữa thì buột miệng hỏi: Chứ trên bục giảng bạn có lừa học sinh của mình không?

Than ôi, nào mình có hơn gì. Kẻ nhớn tại tham vọng, người bé bảo mưu sinh, bần cùng kêu sống chết. Ta gian dối vì gì?
Nghĩ, đời nay thế là xong, chẳng vướng bận. Thực do hèn quá. Nên không dám chết sớm một tý. Để chút tốt đẹp nào đó được lâu hơn.


**

Mới xem Inception.

Đồn rằng phim được nhất trong năm. Có lẽ nhất là ý tưởng. Những người sống bằng cách len lỏi trong các giấc mơ. Đến độ không phân nổi đâu mơ đâu thực.
Thực ra không mấy mới. Nhiều ngàn năm trước, Trang tử mơ hóa bướm bay lượn. Tỉnh giấc băn khoăn mình là Chu vừa mơ hóa bướm hay mình là bướm đang mơ hóa ra Chu?
Người người xem phim xong tranh cãi đâu thực đâu mơ. Nói rằng chết trong mơ là tỉnh dậy thực. Vậy nàng Mal chết thực hay chỉ tỉnh giấc mơ dài?

Hay chúng ta cũng chỉ đang trong giấc mơ cuộc đời biết khi nào mới tỉnh?
Phải chăng những người giã biệt chúng ta là những người sớm tỉnh giấc để bước vào đời thực?

Quyến luyến sao những giấc mơ.
Khác chăng cách tỉnh giấc, để không tiếp tục ám ảnh ngoài kia đời thực với giấc mơ qua.

Đến đây chợt ta dễ theo các giáo phái nọ kia quá?
Mà những Bin Laden, Hitler cùng Stalin cũng chỉ thường thôi.


***

Chiều đạp xe ngang Thúy, nhớ ra đã đến mùa Vu lan ...



TITLE: Dỏm, Ốc và Hến
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/09/2010 07:20 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:


  Dỏm ở đây là nói chuyện bằng cấp của các bác vừa bị lộ.
Chuyện xưa hơn Diễm.
Nhưng cấp độ có tiến bộ. Xưa bằng dỏm. Nay bằng "thiệt" của trường dỏm. Sắp tới bằng thiệt của trường thiệt hợp tác với trường dỏm.
Chỉ có tiến chớ chẳng có lùi.

Vấn đề là dỏm vẫn xài tốt. Có câu: có cầu ắt có cung.
Cụ thượng cựu chả đã muốn tiến sĩ nhiều như xe gắn máy ngoài đường?
Xe gắn máy nhiều nhờ xe Tàu. Dỏm dỏm mà dân cũng bon nhanh trên đường gập ghềnh. Vậy quan cưỡi bằng dỏm chẳng thênh thang hoạn lộ?

(Sở dĩ nói chuyện cũ rích cũ rơ này bởi tội đọc báo. Đã trót đọc thì điểm thêm chuyện thật, đối cho nó chỉnh.
Chuyện giáo sư NBC. Phó tể cựu thượng mời GS làm việc. Đăng trên Vnexpress.
Đáng nói ở chỗ ý kiến bạn đọc. Bên cạnh những người hô khẩu hiệu (ngờ rằng không mấy người biết GS làm gì) có nhiều người đặt câu hỏi thiết thực: GS sẽ làm gì trong nước?)

Xưa có tuồng Nghêu Sò Ốc Hến.

Nghe thầy bói Nghêu xui, Ốc ăn trộm của trùm Sò đem bán cho thị Hến. Chuyện đến cửa quan, quan nọc Ốc ra đánh. Ốc kêu la:

Đau quá quan lớn ơi,
Thị Hến ơi thị Hến,
Xong vụ này về tao đốt cái nhà mày.
Hến:
Chú này nói hay chưa,
Chú bán tôi mua,
Có đâu không mà tôi nói có.

Quả là chú bán tôi mua. Không có người mua sao có người ăn trộm?
Chỉ tội anh chàng (ng)Ốc phải đòn. Chứ thị Hến thì đong đưa cùng lý trưởng, thầy đề với quan huyện.
Trùm Sò không bằng được, đến mất của. Nếu có ngày lạc vào nhà các quan, Sò phải mắt chữ O như anh thày bói sợ ma: sao xôi giống xôi, thịt giống thịt?

Xôi thịt chẳng là xôi thịt thì là gì?




TITLE: Nói không
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/08/2010 05:05 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:


 Bắt đầu từ chỗ đọc một bài viết dễ thương trong trang của nhà thơ TN.

Nhà thơ kể chuyện đọc thơ cho đồng hội phật tử nghe. Rằng vốn rất ngại vì tự nhận "yếu không dám ra gió". Nhưng lỡ không chối từ được thỉnh cầu của thầy.

Rằng "nói không với cái xấu còn khó trần ai nữa là cái tốt".

Nghĩ bụng, nói không với cái xấu e khó hơn từ chối cái tốt chơ.

Nghiệm ra rằng, nói không ở đời là khó lắm, khó lắm.

Chứ cứ như kẻ cơ hội kia gì cũng lẻo mép đòi nói không ...



TITLE: Chép Sử
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/07/2010 04:32 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:


Lúc bấy giờ nhà Tống nghe tin Tiên-hoàng đã mất, tự-quân còn dại, muốn thừa thế sang lấy nước ta, mới hội đại binh ở gần biên-giới.
Bên ta được tin quân Tàu sắp sang, Lê Hoàn sai Phạm cự Lượng làm đại-tướng đem binh đi chống giữ. Trước khi khởi hành, Phạm cự Lượng họp cả quân-sĩ lại ở trong điện, rồi nói rằng: "Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi, mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng mình. Dẫu chúng mình có hết sức lập được chút công nào, thì rồi ai biết cho? Chi bằng nay ta tôn Thập-đạo tướng-quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn"26.
Quân-sĩ nghe nói đều hô vạn-tuế. Thái-hậu thấy quân-sĩ thuận cả, mới sai lấy áo long-cổn mặc vào cho Lê Hoàn.
Lê Hoàn lên làm vua, giáng Đinh Tuệ xuống làm Vệ-vương, sử gọi là Phế-đế.

(Chép lại từ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim)

Ở chú thích số 26, cụ Lệ Thần bàn: Xem sử Tàu, nhà Tống lấy ngôi nhà Hậu-Chu cũng giống như bên ta nhà Tiền-Lê lấy ngôi nhà Đinh. Nhà làm sử có chép lẫn nhau không?


Mình ăn theo nói leo, cũng nuận: Muốn giấu gì đây nên copy đâu đó về paste đè lên sử đấy thôi.


Bonus chuyện chép sử xứ người:

Bấy giờ vua nước Cử là Lê Tị hãy còn ở nước Tề. Thôi Trữ và Khánh Phong phụng Tề Cảnh công hội thề với Lê Tị công. Lê Tị công trở về nước Cử. Thôi Trữ sai Đường Vô Cữu đem thi thể bọn Châu Xước và Tề Trang công cùng chôn ở Bắc Quách, giảm bớt nghi lễ, không cho giáp binh đi hộ tang, nói rằng sợ lại loạn ở dưới âm phủ!

Thôi Trữ truyền cho quan thái sử Bá vào chép sử là Tề Trang công bị bệnh sốt rét mà chết. Quan thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:


- "Ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa Hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang".


Thôi Trữ nổi giận, giết thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quí . Trọng lại chép như trước. Thôi Trữ lại giết đi. Thúc cũng chép thế. Thôi Trữ lại giết. Quí lại chép như vậy. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quí rằng:


- Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho.


Quí nói:


- Chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh công, quan thái sử là Đổng Hổ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội qân giặc, bèn chép rằng: "Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao" thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! Nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép! Tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tuỳ ý định đoạt!


Thôi Trữ thở dài mà nói rằng:


- Ta sợ nước nhà nghiêng đổ, bất đắc dĩ mà phải làm việc này! Nhà ngươi dẫu chép thẳng, thiên hạ cũng xét tấm lòng cho ta!


Nói xong, liền ném cái thẻ đưa trả Quí . Quí cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị, Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:


- Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa Hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép.


Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.


Thôi Trữ lấy việc thái sử Quí chép thẻ làm xấy hổ, mới đổ tội cho Giả Thụ mà giết đi.



TITLE: Rau muống tháng Chín
AUTHOR: Lãn Ông
DATE: 08/06/2010 05:32 pm
STATUS: publish ALLOW COMMENTS: 0 CATEGORY: TAG: -----
BODY:


Rau muống tháng Chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.
(Tục ngữ Việt Nam)

Cô con gái học chuyên văn hỏi bố:
- Bố ơi! Bố giải thích dùm con câu tục ngữ “Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn” là thế nào?
- Có gì đâu mà không hiểu. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, cho nên rau muống trở nên hiếm. Câu này là người ta muốn ca ngợi những người con dâu hiếu thảo trong cảnh nghèo. Thứ gì ngon, hiếm thì nhịn miệng dâng mẹ chồng, con hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
Nghe thế, vợ anh chõ vào:
- Anh giải thích thế mà cũng đòi giải thích. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, đúng! Nên rau muống tháng 9 là loại rau già, rau còi, ăn vừa xơ vừa chát. Dẫu có hiếm cũng chẳng quý báu gì. Câu tục ngữ này không phải ca ngợi mà là câu mỉa mai những người con dâu xảo trá, bề ngoài tưởng là hiếu thảo mà thực ra trong bụng thì chẳng ra gì. Con hiểu chưa nào?
- Dân gian người ta nôm na, chất phác chứ đâu quen xoi mói, bới móc như cái đám phê bình các cô. Đọc một tác phẩm, chỉ độc chúi mũi vào tìm những là nội dung, chủ đề, tư tưởng với lại tính này tính nọ chứ chả hiểu gì về văn chương nghệ thuật cả.
- Là vì những tác phẩm như tác phẩm của anh, có tí gì là văn chương nghệ thuật đâu! Bảo người ta không biết, sao mấy lần cứ nài người ta viết giới thiệu tác phẩm cho?
- Chân quê lại muốn xỏ giày. Mắt lòa cũng cứ loay hoay muốn nhìn.
- Phải! Quê đấy! Mùa lòa đấy! Biết thế sao ngày xưa cứ lăn vào con quê, con mù này. Còn nhớ đã khóc bao nhiêu lần rồi không?
Cứ thế … “Bản tình ca trí tuệ” mỗi lúc một cao dần, gay gắt dần, và đây là những “nốt nhạc cuối cùng” của nó:
- Được! Đã thế thì ly hôn.
- Cảm ơn! Viết đơn đi! Xin ký ngay.
Những ngày sau đó chẳng ai muốn nói chuyện với ai. Tối đến, họ ngủ riêng mỗi người một giường….

Theo thống kê của tòa án chuyên xử ly hôn thì có 80% các cuộc ly hôn đều bắt đầu từ những mâu thuẫn, chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh như thế. Chẳng ai chịu rút quân khỏi mặt trận máu lửa cả!

Câu chuyện trên đây mình đọc đã lâu lắm rồi. Còn nhớ, để nhấn mạnh nội dung câu chuyện, đoạn mở đầu giới thiệu thế này: Gia đình kia trí thức. Chồng là nhà văn nổi tiếng, hội viên hội này hội nọ. Vợ là nhà phê bình văn học, không kém tiếng tăm, tiến sĩ ngữ văn. Đúng tiêu chuẩn 2 con. Con đầu lòng "ruộng sâu trâu nái không bằng", giỏi ngoan, học chuyên văn. Con trai thứ lanh lợi, đứng đầu lớp chuyên toán.
Người ngoài nhìn vào chỉ những ghen tỵ. Ngày đẹp trời kia con gái rượu hỏi bố, như chuyện đã chép lại ở trên.

Đọc chuyện rồi, mình đâm thắc mắc ý nghĩa câu tục ngữ, hiểu thế nào cho đúng. Không ít lần đem kể cho các bạn nghe. Mong tìm lời đáp. Nhưng từ các cậu bạn chuyên toán đến các cô bạn chuyên văn, thảy đều cười. Không trả lời.
Tụi nó thật là, chẳng đứa nào xứng đi thi Ai là triệu phú. Chương trình này, trên TV, lẽ ra rất hấp dẫn. Bản quyền nước ngoài. Từng được đưa vào bộ phim tuyệt tác Triệu phú ổ chuột.
Tiếc là phiên bản tiếng Việt không đạt. Đã lâu mình chẳng ngó đến. Một phần gã dẫn chương trình kém đáng yêu. Song phải nói nguyên nhân lớn là ở kho câu hỏi dưới mức gọi là tệ. Xem cốt thích thú với kiến thức, mà không được. Văn hóa xã hội nay buồn sao!
Hôm rồi nhàn cư thế nào lại liếc qua. Tình cờ gặp đúng cố ... không phải nhân mà là câu tục ngữ. Bốn khả năng lựa chọn là: thương nhau - gần gũi - nhường nhịn - ghét nhau. Nghĩ bụng: chẳng cần chuyên văn, biết toán tý là suy được. Ba khả năng kia giống nhau, trúng một chẳng hóa đúng cả ba? Thành đáp án hẳn là ghét. Quả nhiên thế.
Chương trình kiểu kia thì có sai cũng chả lạ. Thử Google kiểm tra phát. Hóa cũng không ít người tò mò như mình. Có điều những câu trả lời cãi nhau, kết quả hầu như bất phân thắng bại. Có bạn chép nguyên chuyện mà mình chép lại của bạn ý ở trên, được đánh giá là câu trả lời hay nhất trong Yahoo! Hỏi & Đáp. Mình thấy một ý kiến thuyết phục nhất là bảo: ghét nhau, dẫn theo Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
Vậy là, nói có sách. Dẫu sách xứ ta cũng chẳng mấy đáng tin. Âu cũng là một căn cứ. Hẳn nhà đài cũng luận như thế?

Ông bố nhà văn trong chuyện kể trên không phải không có lý. Tiếc là sách lại thiên về người Việt xấu xí ...
Phải chăng, đúng thực là xấu xí ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét